Tin pháp luật

KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN VẪN ĐƯỢC COI LÀ VỢ CHỒNG HỢP PHÁP KHI NÀO?

  1. Tóm Tắt

Tôi và chị A có tổ chức hôn lễ, rồi sống chung với nhau như vợ chồng từ năm 1986, giữa chúng tôi có 1 con chung là cháu B. Vậy cho tôi hỏi quan hệ hôn nhân của chúng tôi có được pháp luật công nhận hay không?

  1. Tư vấn

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Việc kết hôn giữa nam và nữ được xem là hợp pháp khi được pháp luật thừa nhận, cụ thể là phải đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ mà việc sống chung như vợ chồng cũng được pháp luật thừa nhận quan hệ hôn nhân.

Theo khoản 2 điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP: “Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật Hộ tịch.”. Như vậy đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước 03/01/1987 thì lúc này, hai người vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp kể từ ngày hai bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Khi đó, hai bên nam, nữ được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn.

Do bạn và chị A có tổ chức hôn lễ và sống chung với nhau như vợ chồng từ năm 1986. Do đó bạn và chị A vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp kể từ ngày bắt đầu sống chung với nhau như vợ chồng. Tuy nhiên bạn và chị A vẫn nên đăng ký kết hôn, để cơ quan nhà nước ghi nhận quan hệ hôn nhân giữa bạn và chị A vào sổ hộ tịch. Điều này vừa giúp cơ quan nhà nước quản lý tình trạng hôn nhân, vừa giúp bạn không phải chứng minh quan hệ hôn nhân với chị A, trong trường hợp có tranh chấp phát sinh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *